Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

4 cách thở giúp mẹ bầu giảm đau khi chuyển dạ

Có nhiều phương pháp hỗ trợ đắc lực cho mẹ bầu đỡ đau hơn khi chuyển dạ, một trong những phương pháp đó là thở đúng cách.

Thở đúng cách vừa giúp giảm đau khi chuyển dạ vừa làm tăng lượng oxy cho cả mẹ và bé. Khi căng thẳng hay hoảng hốt, hơi thở trở nên nhanh và nông, có thể khiến bạn mất bình tĩnh và sớm kiệt sức. Vì thế, học cách thở đúng sẽ giúp ích cho mẹ bầu trong cơn chuyển dạ.
1. Thở chậm - sâu
Kiểu thở này được dùng trong giai đoạn đầu tiên của chuyển dạ, cổ tử cung mở dưới 3cm.
Khi có cơn co tử cung, bắt đầu bằng hơi thở sâu rồi thở chậm - sâu (hít bằng mũi, thở ra bằng miệng), thở chậm rãi, đều đặn và chấm dứt với một hơi thở sâu khi hết cơn co. Khi hít vào sao cho bụng phình lên, thở ra bụng xẹp xuống.
Thở 4-6 nhịp cho một cơn co tử cung khoảng 25-30 giây.

2. Thở ngực nhanh - nông

Kiểu thở này được dùng trong giai đoạn hoạt động, cổ tử cung mở 4-7cm, cơn co thường mạnh hơn, dài hơn và dầy hơn.
Khi có cơn co tử cung, bắt đầu với một hơi thở sâu, tiếp theo đó là thở ngực nông. Khi cường độ cơn co càng lên cao thì càng thở nhanh hơn. Thở chậm lại khi cơn co giảm dần rồi lấy một hơi thở sâu khi cơn co chấm dứt.
Thở 20-25 nhịp/ 1 phút. Thở chậm hơn vào đầu và cuối cơn co, thở nhanh hơn vào giữa cơn co.

4 cách thở giúp mẹ bầu giảm đau khi chuyển dạ 1
3. Thở thổi nến
Được dùng trong giai đoạn chuyển tiếp, khi cổ tử cung mở 7-9cm, cơn co tử cung mạnh, khoảng cách giữa 2 cơn co ngắn, sản phụ thường mắc rặn vì ngôi thai xuống và đè vào trực tràng. Kiểu thở này giúp làm giảm áp lực từ tử cung, tránh rặn sớm.
Khi cơn co bắt đầu, hít một hơi thở sâu, kế đó thở nhanh, nông 4 lần rồi thổi mạnh một lần qua miệng, lại tiếp tục thở nhanh nông 4 lần rồi thổi ra. Cứ thế cho đến hết cơn co và chấm dứt một hơi thở sâu.

4. Rặn

Kiểu thở này được dùng trong giai đoạn 2 của chuyển dạ, khi cổ tử cung mở trọn và người mẹ muốn rặn. Tư thế để rặn là tư thế "cong chữ C".
Khi có cơn co, lấy 2 hơi thở sâu kế đó hít một hơi dài, giữ hơi và bắt đầu rặn xuống. Khi rặn tựa cằm vào ngực, mắt nhìn xuống rốn, hết hơi bà mẹ nên rặn tiếp tục và hít một hơi thở sâu khác, giữ hơi và tiếp tục rặn, đến khi hết cơn co tử cung.
Khi hít thở chậm sâu các bà mẹ có thể thực hiện bất cứ tư thế nào cũng được như đang nằm, đứng hoặc ngồi, các bà mẹ càng thư giãn thì việc hít thở càng hiệu quả.
Theo Trí thức trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét